GIẾNG TRỜI VÀ NGUYÊN TẮC KHI XÂY GIẾNG TRỜI

Mật độ dân số tại các đô thị lớn rất đông đúc vì thế nhà cửa tại các khu vực này cũng san sát nhau. Chính vì vậy xây dựng nhà cửa tại các đô thị trở nên khó khăn hơn để có thể tạo nên một không gian sống vừa thoải mái, vừa thoáng mát. Và việc xây dựng giếng trời là giải pháp tốt nhất cho các ngôi nhà ở đô thị hoặc các thành phố lớn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý một số điểm khi xây dựng giếng trời trong nhà, hãy cùng DPCONS tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

1.Giếng trời là gì? Chức năng của giếng trời?

1.1.Khái niệm

Giếng trời là khoảng không gian được xây thông suốt từ tầng mái tới tầng trệt theo phương thẳng đứng. Nhờ đó mà ngôi nhà nhận được nhiều ánh sáng cũng như những luồng gió thổi vào trong nhà giúp ngôi nhà trở nên thông thoáng và mát mẻ hơn. Giếng trời được sử dụng trong các căn nhà ống, các tòa nha chung cư, gia đình, nhưng không nhất thiết là công trình nào cũng phải xây dựng giếng trời.

Giếng trời gồm 3 phần: đáy giếng, thân giếng và đỉnh giếng

  • Đáy giếng: có thể nói đáy giếng tương ứng với tầng trệt của ngôi nhà, thường được thiết kế kết hợp với phòng khách, phòng ăn, cầu thang, hoặc khu vực tiểu cảnh trong nhà.
  • Thân giếng: là phần kéo dài từ đáy giếng lên đến phần đỉnh giếng của nhà, xuyên suốt qua các tầng.
  • Đỉnh giếng: Là phần cao nhất của ngôi nhà, nơi lấy ánh nắng và gió vào trong nhà, được cấu tạo từ khung mái và phần che.

1.2.Chức năng

Về phần chức năng thì giếng trời có 3 chức năng chính:

  • Như định nghĩa thì chức năng chính của giếng trời là nơi để lấy luồng gió và ánh nắng cho ngôi nhà, giúp trao đổi không khí giữa bên trong và bên ngoài tăng sự thoáng mát và thoải mái cho không gian sống.
  • Tiếp theo là về thẩm mỹ, với mỗi ngôi nhà khi xây dựng giếng trời thì phần thiết kế cho khu vưc này là điều không thể thiếu và đó có thể sẽ là điểm nhấn cho ngôi nhà.
  • Cuối cùng là về phong thủy, theo quan niệm thì nhà cửa thông thoáng, thoải mái thì sẽ tăng thêm sức khỏe và tài lộc cho gia chủ.

2.Ưu điểm và nhược điểm giếng trời

2.1.Ưu điểm của giếng trời:

  • Lấy ánh sáng tự nhiên vào trong nhà
  • Đón gió vào trong nhà, điều hòa không khí
  • Tiết kiệm điện năng cho ngôi nhà
  • Tăng tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cho kiến trúc

2.2.Nhược điểm của giếng trời:

  • Nếu không xử lý phần âm thanhkhi xây giếng trời sẽ khiến ngôi nhà khá ồn ào do âm vang
  • Gây ra vấn đề về việc thoát nước ở phần đáy giếng nếu không xử lý tốt

3.Nguyên tắc khi xây giếng trời trong nhà

Có thể thấy việc xây giếng trời trong nhà ở các khu vực đô thị luôn là giải pháp tốt nhất giúp ngôi nhà trở nên sáng sủa và thoáng mát hơn. Tuy nhiên chúng ta cũng cần biết một số điểm trước khi quyết định xây giếng trời để có thể chú ý tới nhé!

  • Vì mục đích của việc xây giếng trời là để lấy ánh sáng và gió vào trong nhà giúp ngôi nhà trở nên thông thoáng, nên nếu ngôi nhà của bạn đã có đầy đủ các yếu tốt trên thì có thể không cần xây dựng giếng trời.
  • Kích thước của giếng trời: Tùy vào diện tích và hình dạng của ngôi nhà mà xây dựng kích thước giếng trời phù hợp. Nhưng diện tích của giếng trời không nhỏ hơn 1m2 và nhà càng cao thì diện tích của giếng cũng rộng hơn.
  • Vị trí của giếng trời: Có thể bố trí giếng trời ở trong nhà hoặc sau nhà tùy thuộc vào tình trạng thực tế của ngôi nhà. Cần phải xác định hướng gió và vị trí nào trong nhà bị thiếu ánh sáng để có thể sắp xếp xây dựng giếng trời tại đó.
  • Thông thường phần sau của ngôi nhà sẽ khá tối và bí do xung quanh là các ngôi nhà cao tầng hoặc các tòa nhà lớn, đây có thể là vị trí cần được bố trí giếng trời.
  • Hoặc bố trí giếng trời ngay trên khu vực cầu thang, bới cầu thang thường đặt ở khu vực giữa của ngôi nhà và nằm kế bên nhà bếp.
  • Đối với những ngôi nhà có diện tích khá nhỏ  thì cần xem xét thiết kế giếng trời phù hợp để không chiếm không gian sống.
  • Hệ thống thoát nước: Thiết kế hệ thống thoát nước sàn cho những ngôi nhà có giếng trời là điều rất quan trọng. Bởi khi vào thời điểm mưa thì có thể gây ra những vấn đề không mong muốn như mưa rơi vào nhà,…Với giếng trời có mái thì các khe và các ô thoáng cần được thiết kế chắc chắn để chống dột khi trời mưa hoặc có giông tạt qua. Còn đối với giếng trời không có mái thì cần phải kiểm tra phương án thoát nước đã được thiết kế chưa? Và thiết kế như thế nào? Có phù hợp chưa?
  • Độ phẳng tường của giếng trời: Nên thiết kế phần tường của giếng trời bằng các vật liệu như: đá, những loại giấy giấy dán tường gồ ghề hoặc sơn gai,…để giảm bớt tiếng vang ở trong nhà khi nói chuyện, tránh ảnh hưởng đến mọi thành viên.
  • Trang trí giếng trời: Hạn chế trang trí ở phần đầu giếng và thân giếng để đảm bảo vai trò chiếu sáng và lưu thông gió. Một số kết hợp thiết kế vườn tiểu cảnh ở đáy giếng, tuy nhiên cần đảm bảo hệ thống đèn điện để tránh việc bị hư hỏng khó sửa chữa sau này.
  • Bảo trì giếng trời: Khi làm giếng trời trong nhà, cần phải chú ý đến không gian để thuận tiện sau này khi dọn vệ sinh được an toàn và dễ dàng.